Tìm hiểu về kỹ thuật chuyển vùng trong Wifi (Wi-Fi Roaming) (Phần 2)

PHẦN 2: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH CHUYỂN VÙNG CỦA THIÊT BỊ ĐẦU CUỐI

Các thiết bị đầu cuối sử dụng nhiều phương thức khác nhau để quyết định thực hiện chuyển vùng. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định chuyển vùng của thiết bị thay đổi rất khác nhau tùy thuộc vào hãng sản xuất. Tuy nhiên, có một số các yêu tố chung được sử dụng để ra quyết định, các yếu tố đó sẽ được phân tích dưới đây để hiểu rõ hơn việc điều khiển chuyển vùng của các thiết bị.

Tỉ lệ mất Beacons

Beacon frames được truyền từ AP mặc định mỗi 102.4 ms, các beacons này bao gồm các thông tin về BSS (basic serivice set) mà AP cung cấp. Các thiết bị đầu cuối sẽ sử dụng các beacons này cho các chức năng khởi tạo kết nối và quản lý năng lượng. Đối với một vài thiết bị, khi số lượng beacons bị mất đạt đến một con số nào đó (vì dữ liệu truyền bị nhiễu hoặc đơn giản là thiết bị ở quá xa AP), quá trình chuyển vùng sẽ được kích hoạt. Việc chỉ sử dụng một mình giá trị này để quyết định chuyển vùng là một phương pháp không hiệu quả, vì nếu tỉ lệ mất beacon cao tức là thiết bị thường đã ra khỏi vùng phủ (hay đạt đến tốc độ truyền dữ liệu tối thiểu) mới ra quyết định chuyển vùng, khi đó chất lượng kết nối đã giảm xuống rất thấp và ảnh hưởng rất nhiều tới các ứng dụng thời gian thực cũng như các ứng dụng khác. Tuy nhiên, hiện nay hầu như không có thiết bị nào chỉ sử dụng giá trị này mà chúng thường được kết hợp với các giá trị khác.

Việc sử dụng giá trị mất beacon cùng với các giá trị khác là cần thiết trong trường hợp có nhiễu gần thiết bị. Ví dụ, một thiết bị đang kết nối trên kênh 1 của băng 2.4GHz và có cường độ tín hiệu là -62dBm. Tuy nhiên, nếu có một nguồn nhiễu đồng kênh (ví dụ như một thiết bị phát video không theo chuẩn 802.11), nó sẽ làm cho thiết bị không thu được một số beacons từ AP. Trong trường hợp này, mặc dù cường độ tín hiệu vẫn rất tốt tuy nhiên chất lượng kết nối lại không tốt, vì vậy thiết bị sẽ có kết nối tốt hơn nếu chuyển vùng sang một AP khác không bị ảnh hưởng bởi nhiễu.

Cường độ tín hiệu (Signal Strength)

Cường độ tín hiệu thường được đo bằng dBm hay RSSI là một trong những giá trị chính được sử dụng trong quá trình ra quyết định chuyển vùng. Khi giá trị này chạm tới hoặc xuống dưới một ngưỡng nào đó, thiết bị đầu cuối sẽ bắt đầu quá trình quét các AP thay thế trong cùng một vùng phục vụ ESS. Trong trường hợp này, RSSI được hiểu theo nghĩa khác so với định nghĩa ở trong chuẩn 802.11. Rất nhiều nhà sản xuất sử dụng khái niệm RSSI đồng nhất với dBm, mặc dù về mặt kỹ thuật là chúng khác nhau. RSSI được định nghĩa là một số có giá trị từ 0 đến 255 đại diện cho độ mạnh của tín hiệu. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất lại chọn các giá trị chặn trên khác nhau, một số thì chọn là 100, trong khi số khác thì lại chọn là 255, dẫn đến việc thiếu thống nhất của giá trị này.

Ví dụ, nhiều thiết bị của Apple sẽ theo dõi các frame được gửi tới, nếu giá trị RSSI xuống dưới -70dBm, chúng sẽ bắt đầu quét các AP khác. Việc chuyển vùng chưa thực sự xảy ra ngay lúc này, nó chỉ xảy ra khi một giá trị trễ tối thiểu đạt được (sẽ giải thích rõ hơn ở phần sau).

Ngưỡng RSSI của một số thiết bị:

  • Apple Macbook: -75 dBm RSSI
  • Apple iPhone and iPad: -70 dBm RSSI
  • Chromebook: 18 SNR
  • Samsung Phones: -75 dBm RSSI

Frame Retries

Số lượng frame gửi lại (Frame retries) là một giá trị hữu dụng được sử dụng để quyết định thực hiện chuyển vùng của thiết bị trong trường hợp xuất hiện vấn đề nốt ẩn (hidden node). Hiện tượng nốt ẩn là hiện thượng khi có 02 thiết bị đầu cuối đều nhận và xử lý được các frame được gửi từ AP nhưng lại không thể nhận và xử lý được các frame của nhau. Hiện tượng này có thể dẫn đến việc các frame bị gián đoạn tại AP và kết quả là các thiết bị đầu cuối sẽ phải tiến hành gửi lại các frame. Nếu thuật toán chuyển vùng có tính đến số lượng frame retry, thì khi đạt ngưỡng, thiết bị đầu cuối sẽ thực hiện việc chuyển vùng.

Độ trễ trong chuyển vùng (Hysteresis)

Độ trễ trong chuyển vùng là giá trị khoảng chênh lệch giữa cường độ tín hiệu của AP mục tiêu và AP đang kết nối hiện tại (đôi khi còn được gọi là roam delta). Khi sử dụng giá trị cường độ tín hiệu để quyết định việc chuyển vùng, thiết bị đầu cuối sẽ có xu hướng chuyển vùng sang AP mới có giá trị cường độ tín hiệu cao hơn AP đang kết nối, tuy nhiên nó sẽ chỉ chuyển vùng sang AP mới nếu giá trị cường độ tín hiệu của AP mới cao hơn AP đang kết nối một giá trị tối thiểu nào đó, giá trị đó được gọi là độ trễ (được đo bằng dB). Ví dụ, theo thông tin từ Apple, các thiết bị iOS sử dụng độ trễ là 8dB khi đang hoạt động và 12 dB đang ở chế độ nghỉ. Ví thế, nếu cường độ tín hiệu của AP đang kết nối là -73 dBm, thiết bị sẽ chỉ chuyển vùng sang AP khác, nếu cường độ tín hiệu của AP này là -65 dBm trở lên (đối với thiết bị iOS đang ở chế độ hoạt động) hoặc là -61 dBm trở lên (đối với thiết bị iOS đang ở chế độ nghỉ). Tham khảo thêm hình vẽ bên trên về độ trễ.

Giá trị trên chỉ là giá trị tham khảo cho các thiết bị của Apple và không phải mọi thiết bị của Apple đều sử dụng giá trị trên và đương nhiên là các thiết bị không phải của Apple thì sẽ có những giá trị khác.

Giá trị độ trễ được sử dụng nhằm tránh khỏi hiện tượng “nhảy AP”, đây là hiện tượng một thiết bị khi nằm ở biên vùng phủ của 2 AP sẽ kết nối qua lại (nhảy) giữa 02 AP liên tục. Vì vậy, để tránh hiện tượng này nên có một khoảng cách (độ trễ) 3dB hoặc lớn hơn. Tuy nhiên, nếu giá trị này quá lớn thì thời gian chuyển vùng của thiết bị sẽ bị tăng lên. Giá trị này nên được đặt thấp hơn 15dB.

Sự khác nhau về hành xử của thiết bị trong chuyển vùng

Như đã đề cập trước đây, các thuật toán được sử dụng để ra quyết định khi chuyển vùng rất khác nhau giữa các thiết bị. Chính vì vậy, thực tế không tồn tại một tiêu chuẩn cho vấn đề này. Một số nhà sản xuất có công bố thông tin về thuật toán của mình:

  • Apple Macbook: https://support.apple.com/en-us/HT206207
  • Apple iPhone and iPad: https://support.apple.com/en-us/HT203068
  • Samsung Phones: https://support.samsungknox.com/hc/en-us/articles/115013403768-Enhanced-Roaming-Algorithm

 

“Cường độ tín hiệu” với “Duy trì kết nối” (Signal Strength vs. Connection Maintenance)

Cường độ tín hiệu và Duy trì kết nối là các phương pháp luận chính của thuật toán chuyển vùng của các hãng sản xuất. Thuật toán tốt sẽ dựa trên cường độ tín hiệu còn thuật toán xấu có xu hướng là đảm bảo duy trì kết nối.

Các thuật toán dựa trên việc duy trì kết nối sẽ vẫn duy trì kết nối cho tới khi kết nối hiện tại không hoạt động nữa (ví dụ: số lượng beacon bị mất lớn hoặc mất kết nối). Những thuật toán như vậy thường dẫn đến hiện tượng sticky-client và đang được các nhà sản xuất loại bỏ dần khỏi các thiết bị. Các thiết bị sử dụng thuật toán dựa trên duy trì kết nối thường được thiết kế cho khách hàng cá nhân nơi mà thường chỉ sử dụng 01 AP. Tuy nhiên, với thị trường khách hàng doanh nghiệp thì các hãng sản xuất hầu như không còn sử dụng thuật toàn này nữa.

Các thuật toán dựa trên cường độ tín hiệu sử dụng thông số cường độ tín hiệu thu được để kích hoạt quá trình chuyển vùng khi cường độ tín hiệu đạt đến một ngưỡng nào đó. Chúng theo dõi cường độ tín hiệu của kết nối hiện tại một cách liên tục và nếu rơi xuống một ngưỡng nào đó, chúng sẽ khởi động quá trình chuyển vùng hoặc sẽ quét các AP mục tiêu tiềm năng để chuẩn bị cho việc chuyển vùng. Thuật toán tốt nhất sẽ thực hiện việc quét trước khi thực hiện việc chuyển vùng, như vậy sẽ đem lại kết nối chất lượng hơn.

Chuyển kết nối giữa các băng tần (Band Roaming)

Chuyển kết nối giữa các băng tần (Band roaming) là việc thiết bị đầu cuối chuyển kết nối từ băng tần này sang băng tần khác (ví dụ giữa băng 2.4GHz và băng 5GHz). Nếu thiết bị hỗ trợ band roaming, nó sẽ quét các AP trong băng tần khác với băng tần mà nó đang kết nối. Vì band roaming yêu cầu việc quét thêm nhiều kênh tần số (tất cả các kênh hỗ trợ bởi thiết bị trong cả băng 2.4GHz và băng 5GHz) nên việc triển khai chuẩn 802.11k sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Với việc sử dụng 802.11k, các thiết bị (có hỗ trợ 802.11k) sẽ có thể yêu cầu một bản báo cáo AP lân cận (neighbor report) từ AP mà thiết bị đang kết nối. Việc này thường được thực hiện ngay sau khi thiết bị bắt đầu kết nối. Neighbor report bao gồm danh sách các AP có thể “nhìn thấy” được bởi AP mà thiết bị đang kết nối và kèm theo cường độ tín hiệu của các AP này (cũng được “nhìn” bởi AP mà thiết bị đang kết nối). Thiết bị lúc này chỉ cần gửi bản tin probe request trên các kênh có trong danh sách để giảm thiểu thời gian quét.

Việc lựa chọn AP khi kết nối ban đầu của các thiết bị đầu cuối thường chỉ dựa trên cường độ tín hiệu. Thông thường, tín hiệu của băng 2.4GHz sẽ mạnh hơn băng 5GHz, vì thế thiết bị sẽ thường cố gắng kết nối vào băng 2.4GHz. Ngay cả khi băng 2.4GHz và 5GHz có cùng công suất phát thì tại ví trí của thiết bị cường độ tín hiệu trên băng 2.4GHz cũng có xu hướng cao hơn băng 5GHz và khác biệt có thể lên tới 6 – 8 dB. Điều này là do tần số càng cao thì suy hao càng lớn. Để thiết bị có thể kết nối với băng 5GHz ngay từ đầu thì có thể cấu hình công suất phát của băng 2.4GHz thấp hơn từ 6 – 8 dB so với băng 5GHz. Điều này sẽ giúp tăng tỉ lệ các thiết bị có xu hướng kết nối tới băng 5GHz ngay từ đầu và giúp tăng số lượng thiết bị kết nối trên băng 5GHz. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét yếu tố vùng phủ khi thực hiện phương án này.

Hiện nay, nhiều hãng sản xuất đã triển khai công nghệ band steering (cân bằng tải giữa các băng tần), đây là công nghệ cho phép khuyến khích các thiết bị đầu cuối kết nối với băng 5GHz của AP nếu có thể. Band steering được triển khai vì băng 5GHz có nhiều kênh hơn băng 2.4GHz vì thế hỗ trợ nhiều thiết bị kết nối hơn trong cùng một vùng phủ. Tuy nhiên, việc thiết kế cần phải được xem xét cẩn thận khi triển khai band steering, các AP hỗ trợ 5GHz phải đảm bảo có thể phủ hết các khu vực cần phục vụ, nếu không thời gian chuyển vùng có thể tăng cao dẫn đến việc rớt kết nối và làm giảm hiệu năng của mạng.

Các thông số cần đo đạt

Các thiết bị đầu cuối đo đạt nhiều thông số khác nhau để quyết định việc chuyển vùng, các thông số sau đây thường được sử dụng trong quá trình ra quyết định chuyển vùng (đã mô tả chi tiết ở trên)

  • Số lượng beacon bị mất: Là số lượng beacon frames không nhận được trong một khoảng thời gian định trước
  • Disassociation – loss of connection.
  • RSSI: Cường độ tín hiệu của kết nối hiện tại ở thiết bị nhận
  • Retries: Số lượng frame bị yêu cầu gửi lại
  • CRC Errors: Số lượng frame bị lỗi nhận được của kết nối hiện tại

Configuration Settings

Các thiết bị đầu cuối có một vài thông số có thể cấu hình được liên quan đến việc chuyển vùng, bao gồm: aggressive roaming, roaming enablement và band preference. Thông thường, chỉ các thiết bị máy tính laptop hoặc desktop cho phép cấu hình các thông số này, các thiêt bị di dộng (máy tính bảng, điện thoại thông mình) thì không cho phép.

  • Aggressive Roaming: Đây là cấu hình cho phép điều chỉnh tăng hoặc giảm ngưỡng chuyển vùng. Tuy nhiên, cấu hình này không thực sự thay đổi giá trị của các ngưỡng và trong nhiều thử nghiệm thì việc thay đổi cầu hình này không cho thấy sự ảnh hưởng nào.
  • Roaming Enablement: Một số thiết bị đầu cuối cho phép tắt hoàn toàn việc chuyển vùng. Cấu hình này có thể hữu dụng trong một số trường hợp thiết bị đầu cuối không di chuyển. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp cấu hình này nên ở trạng thái bật.
  • Band Preference: Một số thiết bị cho phép thiết lập mức độ ưu tiên giữa băng tần 2.4GHz và 5GHz. Thông thường, mức độ ưu tiên nên được đặt cho băng 5GHz. Thêm vào đó, cấu hình này cũng cho phép tắt một trong 2 băng tần.

Đối với AP, cũng có một số cấu hình có thể được thiết lập đối với việc chuyển vùng, bao gồm: probe response thresholds, band steering và 802.11k

  • Probe Response Thresholds: Ngưỡng này có thể được cấu hình để AP chỉ trả lời các bản tin probe request nếu frame nhận được có cường độ tín hiệu lớn hơn giá trị được đặt hoặc là phải đạt một giá trị SNR tối thiểu được đặt. Việc này sẽ tránh việc gửi các bản tin probe response tới các thiết bị không nên kết nối tới.
  • Band Steering: Tính năng này nếu được bật sẽ giúp định hướng các thiết bị kết nối với băng 5GHz. Tuy nhiên, cần phải đánh giá kỹ trước khi triển khai.
  • 11k Support: Tính năng này nên được áp dụng trên các AP nếu được hỗ trợ, việc này giúp các thiết bị có thể giảm thời gian quét khi chuyển vùng.

Một số công nghệ của Ruckus Wireless trong Chuyển vùng nhằm nâng cao chất lượng mạng WLAN

Công nghệ WLAN TUNNELING cung cấp khả năng di động liền mạch cho các ứng dụng VoIP

Thông thường trong một mạng doanh nghiệp, các khu vực địa lý khác nhau (ví dụ như các tầng/các phòng ban) được thiết kế với các subnet khác nhau. Khi chuyển vùng giữa các AP nằm trên các subnet khác nhau, người dùng sẽ phải re-associate, re-authenticate và được cấp một địa chỉ IP mới. Quá trình này sẽ gây nên sự gián đoạn với các ứng dụng nhạy cảm với độ trễ ví dụ như các dịch vụ VoIP.

Các điện thoại dựa trên WiFi đặc biệt nhạy cảm với độ trễ cũng như việc thay đổi địa chỉ IP. Độ trễ lớn có thể làm giảm chất lượng của cuộc gọi, còn việc thay đổi địa chỉ IP sẽ làm rớt hẳn cuộc gọi. Để giải quyết vấn đề này cần phải đưa tất cả các kết nối VoIP về cùng một WLAN mà không cần phải phân theo khu vực địa lý.

Ruckus đã giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng tunnel. Tính năng này cho phép tạo một WLAN riêng cho các thiết bị VoIP và đẩy toàn bộ lưu lượng Layer 2 của WLAN này về ZoneDirector Controller thông qua LWAPP-based (LightWeight Access Point Protocol) tunnel

Việc sử dụng tunnel giúp loại bỏ được vấn đề chuyển vùng giữa các subnet. Các thiết bị khi chuyển vùng sẽ vẫn giữ được địa chỉ IP của chúng. Với Ruckus ZoneDirector Smart WLAN controller, người quản trị có thể dễ dàng tạo các tunnel bảo mật này và cho phép hoạt động trên từng WLAN riêng biệt.

FAST 802.1X ROAMING kết hợp với kỹ thuật PMK CACHING và OPPORTUNISTIC PMK CACHING

Với các thiết bị đầu cuối sử dụng phương thức xác thực 802.1X EAP khi chuyển vùng, kết nối sẽ có thể bị gián đoạn ngay cả khi các AP vẫn ở trong cùng một subnet. Các ứng dụng VoIP đòi hỏi về độ trễ thấp sẽ bị gián đoạn khi gặp phải vấn đề này.

Khi một thiết bị đầu cuối chuyển vùng, chúng sẽ phải kết nối lại với AP mới và thực hiện đầy đủ quá trình xác thực và bắt tay trong giao thức 802.1X. Thông thường, quá trình xác thực này được thực hiện bởi một máy chủ RADIUS ở xa, điều này thường dẫn đến độ trễ cao, ảnh hưởng đến hiệu năng của ứng dụng

Để giảm thiểu vấn đề độ trễ cao trong quá trình thực hiện xác thực lại của 802.1X, ZoneDirector sẽ lưu tạm lại Pairwise Master Keys (PMK) sử dụng 2 kỹ thuật “PMK caching” và “opportunistic PMK caching”

PMK là một khóa mã hóa được sử dụng trong mạng wifi giúp tạo ra các khóa bảo mật ở mức thấp hơn được sử dụng trong phương thức mã hóa WPA2.

Với kỹ thuật “PMK caching”, thiết bị thực hiện quá trình xác thực 802.1X với máy chủ RADIUS một cách bình thường. Cả thiết bị và ZoneDirector sẽ lưu lại PMK để sử dụng lại về sau. Nếu thiết bị di chuyển ra khỏi AP và quay trở lại cùng AP đó, thiết bị sẽ gửi lại PMK ID đã sử dụng trước đó và thực hiện bắt tay 4 bước với ZoneDirector.

PMK ID là một giá trị hash có bao gồm địa chỉ MAC của AP. Giá trị này định danh tính duy nhất  PMK của thiết bị và cho phép kết nối vào WLAN mà không cần phải xác thực lại với máy chủ RADIUS, loại bỏ được trễ do xác thực.

Với kỹ thuật “Opportunistic PMK caching”, ZoneDirector sau khi nhận PMK từ việc xác thực 802.1X lần đầu của thiết bị đầu cuối sẽ lưu giá trị này cho tất cả các AP lân cận.

Khi một thiết bị chuyển vùng tới AP lân cận, nó sẽ tạo và gửi một PMK ID mới bao gồm địa chỉ MAC của AP mới tới ZoneDirector. Do ZoneDirector đã lưu giá trị PMK cho các AP lân cận, PMK ID liên quan địa chỉ MAC của AP mới sẽ được sử dụng và thiết bị chỉ cần thực hiện bắt tay 4 bước, điều này cho phép thiết bị có thể kết nối nhanh tới WLAN và không bị ảnh hưởng bởi độ trễ cao, giúp các ứng dụng có thể thực hiện chuyển vùng một cách liền mạch.

Công nghệ SmartRoam

Như đã đề cập ở phần trên, việc ra quyết định chuyển vùng phụ  thuộc chủ yếu vào thuật toán mà nhà sản xuất sử dụng, các thuật toán không tốt (hoặc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố của môi trường) có thể dẫn đến hiện tượng sticky-client. Trong thực tế nếu chỉ dựa hoàn toàn vào thuật toán của thiết bị đầu cuối, tình trạng sticky-client sẽ tương đối phổ biến trong một mạng WLAN. Để khắc phục vấn đề này, Ruckus có một tính năng được gọi là “SmartRoam” cho phép AP có thể buộc thiết bị đầu cuối phải chuyển vùng bằng cách ngắt kết nối của thiết bị với AP hiện tại để thiết bị có thể kết nối tới AP tốt hơn.

Khi sử dụng tính năng này, AP của Ruckus sẽ theo dõi uplink RSSI của thiết bị đang kết nối tới và sẽ đếm số lượng frame có RSSI dưới một ngưỡng quy định. Nếu một thiết bị được phát hiện là sticky-client, AP sẽ gửi một DeAuth frame với reason code là 3 tới thiết bị đầu cuối. Để tránh thiết bị đầu cuối kết nối lại với AP vừa ngắt kết nối. AP sẽ không trả lời các probe request và association request trong vài giây cho đến khi thiết bị tìm được AP tốt hơn. Tính năng SmartRoam có thể được bật theo từng SSID

Công nghệ Client Load Balancing (Cân bằng tải thiết bị)

Tính năng cân bằng tải thiết bị có thể cải thiện đáng kể hiệu năng của mạng WLAN bằng cách san đều các thiết bị đầu cuối giữa các AP lân cận nhau, điều này giúp tránh được tình trạng có AP thị bị quá tải trong khi AP khác lại không có thiết bị nào kết nối.

Tính năng load balancing có thể được cấu hình trong giao diện web của Ruckus Controller (ZoneDirector/SmartZone) để giúp cân bằng số lượng thiết bị kết nối giữa các AP lân cận (Adjacent AP). Danh sách các “Adjacent AP” sẽ được quyết định bởi Ruckus Controller bằng cách đo RSSI trên các kênh. Danh sách này được cập nhập liên tục bởi Ruckus Controller để cập nhập các AP mới cũng như các AP đã rời đi.

Sau khi có được danh sách các AP lân cận, Ruckus Controller sẽ kiểm soát số lượng thiết bị trên từng AP bằng cách gửi đến các AP giới hạn số lượng thiết bị được phép kết nối. Giá trị giới hạn này là một “giá trị mềm” (soft value) và có thể vượt qua trong một số trường hợp:

  • Khi tín hiệu của thiết bị quá yếu và không có khả năng kết nối với AP khác.
  • Khi tín hiệu của thiết bị quá mạnh, khi đó thiết bị được xem là “thực sự thuộc về” AP đó.

AP sẽ lưu giới hạn này và khi đạt đến giới hạn, chúng sẽ ngừng gửi các bản tin probe responses và authentication responses.

Một số đặc điểm của tính năng load balancing:

  • Các quy tắc chỉ được áp dụng với thiết bị đầu cuối, AP phục vụ các AP khác khi muốn thiết lập một kết nối trong mạng mesh
  • Tính năng Load balancing không ngắt kết nối của các thiết bị đã kết nối
  • Tính năng load balancing được thực thi trước khi thiết bị gửi assoication request.
  • Quá trình thực hiện tính năng load balancing không yêu cầu khắt khe về thời gian tương tác tối thiểu giữa AP và Controller.
  • Việc quyết định các AP lân cận có một hệ số an toàn để tránh việc bỏ sót thiết bị đầu cuối
  • Tính năng này có thể được bật/tắt trên từng WLAN.
  • Tính năng “Background scanning” phải được bật trên WLAN để tính năng Load Balancing có thể hoạt động được.

Công nghệ Band steering

Công nghệ Band Steering (hay còn gọi là cân bằng tải giữa các băng tần) giúp cân bằng tải giữa các băng tần bằng cách phân phối các thiết bị kết nối giữa băng 2.4GHz và băng 5GHz. Để cân bằng số lượng thiết bị kết nối tới 2 băng tần trên một AP, AP sẽ khuyến khích các thiết bị 2 băng tần kết nối tới băng tần 5GHz khi số lượng thiết bị đạt ngưỡng đã được cấu hình (tính theo %).

Trong khi cấu hình tính năng Band Steering, chúng ta có thể nhập vào giá trị % số thiết bị đầu cuối cho băng 2.4GHz. Khi số lượng thiết bị trên băng 2.4GHz vượt ngưỡng này, các thiết bị sẽ được khuyến khích kết nối vào băng 5GHz.

————————–

Với hệ thống thiết bị chuyên dụng RUCKUS  có thể phục vụ cho những sự kiện lên tới hàng chục ngàn người, hệ thống kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm, sẽ luôn đảm bảo cho kết nối Wifi của quý khách liên tục và ổn định.

Mọi chi tiết quý khách có thể liên hệ :

Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ viễn thông Bình Minh

Địa chỉ: Lô 36, LeParc – Gamuda City, Hoàng Mai, Hà Nội.

HOTLINE: (+84) 973.512.512

Related Posts